Tuesday, August 26, 2014

Nhái lặn Yết Kiêu


Yết Kiêu là một anh hùng khá đặc biệt của đời nhà Trần. Đặc biệt ở đây là tài bơi lặn kỳ tài, đục thủng thuyền làm cho các chiến thuyền của giặc Nguyên đắm chìm và tan tành trong trận chiến trên sông Bạch Đằng năm xưa.

Yết Kiêu có tên thật là Phạm Hữu Thế, sinh năm 1242 tại Gia Lộc, tỉnh Hải Dương và mất sau chủ của mình một năm, tức 1301 (Trần Hưng Đạo mất năm 1300). Không rõ trước khi vào làm gia nô cho Trần Hưng Đạo thì Yết Kiêu làm nghề gì. Chính sử không ghi nhưng hầu hết các sách vở sau này đều chép ông kiếm sống hàng ngày bằng nghề mò cua bắt ốc trên sông hồ. Ông có biệt tài lặn rất nhanh, giỏi và lâu, ở dưới nước nhiều giờ mà không bị ngộp.

Thành ngữ "Lặn như Yết Kiêu" vốn xuất phát từ tài nghệ của ông để chỉ những người bơi lặn giỏi. Đắc Xuyên Gia Khang thì không biết bơi mặc dù đã học vài khoá bơi lội sau vụ bị té sông chìm nghỉm nhưng cũng chẳng có tiến bộ gì. Người bơi giỏi thì gọi là Yết Kiêu chứ còn Đắc Xuyên Gia Khang thì có hỗn danh là Yết Chìm.

Yết Kiêu và Dã Tượng là hai người tôi tớ đắc lực nhất của Hưng Đạo Vương - Trần Hưng Đạo. Trong trận chiến chống quân Nguyên năm 1284, công trạng của Yết Kiêu và Dã Tượng được quốc sử ghi lại ở đoạn chép về công trạng của Hưng Đạo Vương trong cuốn Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.

Chú thích của dịch giả bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư về cái tên Yết Kiêu như sau: "Yết Kiêu là tên loài chó săn ngắn mõm. Dùng tên thú đặt cho người, nói lên địa vị làm "nô" thấp kém của họ. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên đời Trần, các nô tỳ có một vai trò rất lớn"

Tra lại sách Toàn Thư thì chỉ thấy có 3 đoạn chép rất ngắn về Yết Kiêu và Dã Tượng. Đoạn đầu là phần giới thiệu nguyên nhân xâm lược của quân Nguyên như sẽ trích lược sau đây.

Hai là đoạn chép Trần Hưng Đạo nghe theo lời khuyên của Yết Kiêu và Dã Tượng không nên rắp tâm thoán đoạt ngôi vua từ tay của Trần Thái Tông khi Trần Hưng Đạo đang ở thế thượng phong, trong lúc vận nước lung lay mà quyền quân, quyền nước đều ở trong tay của Trần Hưng Đạo.

Và đoạn cuối Toàn Thư nhắc đến hai gia nô anh hùng này qua câu: "Ông (tức Trần Hưng Đạo) khéo tiến cử người tài giỏi cho đất nước, như Dã Tượng, Yết Kiêu là gia thần của ông, có dự công dẹp Ô Mã Nhi, Toa Đô"

Sau đây là phần trích lược của đoạn đầu giới thiệu Yết Kiêu trong sách Toàn Thư:

"Giáp Thân, Thiệu Bảo năm thứ 6 (1284), tháng 12 Trần Phủ từ Nguyên (tức triều đình nhà Nguyên bên Tàu) trở về, tâu rằng vua Nguyên sai bọn thái tử Trấn Nam Vương Thoát Hoan, Bình chương A Lạt và A Lý Hải Nha đem quân lấy cớ mượn đường đi đánh Chiêm Thành, chia đường vào cướp nước ta.

Ngày 26, giặc đánh vào các ải Vĩnh Châu, Nội Bàng, Thiết Lược, Chi Lăng. Quan quân thấy đánh bất lợi, lui về đóng ở bến Vạn Kiếp.

Hưng Đạo Vương vâng mệnh điều quân dân các lộ Hải Đông, Vân Trà, Ba Điểm, chọn những người dũng cảm làm tiền phong, vượt biển vào Nam, thế quân lên dần. Các quân thấy vậy, không đạo quân nào không tới tập hợp. Vua (Trần Nhân Tôn) làm thơ đề ở đuôi thuyền rằng:

Cối Kê cựu sự quân tú ký
Hoan Diễn do tồn thập vạn binh
(Cối Kê chuyện cũ người nên nhớ
Hoan Diễn còn kia chục vạn quân)

Trước đây, Hưng Đạo Vương có hai người nô là Dã Tượng và Yết Kiêu, đối xử rất hậu. Khi quân Nguyên tới, Yết Kiêu giữ thuyền ở Bãi Tân, Dã Tượng thì đi theo. Đến lúc quan quân thua trận, thủy quân tan cả. Hưng Đạo Vương định rút theo lối chân núi. Dã Tượng nói:

- Yết Kiêu chưa thấy Đại Vương thì nhất định không dời thuyền.

Vương đến Bãi Tân, chỉ có thuyền Yết Kiêu vẫn còn đó. Vương mừng lắm, nói: "Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng là chim thường thôi". Nói xong cho thuyền đi, kỵ binh giặc đuổi theo không kịp. Vương đến Vạn Kiếp, chia quân đón giữ ở Bắc Giang. Sai Hàn lâm viện phụng chỉ Đinh Củng Viên quyền coi việc Bắc cung Nội sát viện”

No comments:

Post a Comment